04 mẹo giúp giảm thời gian nói của giáo viên trên lớp

Thời gian nói của giáo viên (Teacher’s Talking Time – TTT) đề cập đến lượng thời gian giáo viên dành để nói trước lớp, như một phần của bài giảng hoặc trong các cuộc thảo luận. Với các lớp học ngoại ngữ thì thời gian nói của giáo viên càng ít thì thời gian nói và thực hành của học viên càng nhiều, đáp ứng hiệu quả mục tiêu học ngôn ngữ.

Theo đó, giảm thời lượng nói của giáo viên đã và đang là mục tiêu và xu hướng tại các lớp giảng dạy ngôn ngữ hiện đại nói chung và tiếng Anh nói riêng. 

Vậy làm thế nào để học sinh vẫn lĩnh hội được các chỉ dẫn cần thiết từ giáo viên mà không bị mất thời gian thực hành của mình?

Dưới đây là 4 mẹo EDUCAP xin giới thiệu để các thầy cô tham khảo.

  1. Kiểm soát thời gian nói của chính mình

Chú ý để kiểm soát thời gian nói của mình là bước vô cùng quan trọng: nên nói gì và nói khi nào. Ví dụ, với những nội quy thì nên thiết lập một lần vào đầu giờ hoặc đầu khóa để tránh việc mất thời gian nói lại sau mỗi sự vụ của học sinh.

trong đó bạn nên để ý đến:

  • Mình đã nói nhiều nhất ở nội dung nào trong bài giảng: có thể nói ngắn gọn được hơn?
  • Tần suất lặp lại những nội dung đã nói
  • Cách trả lời câu hỏi của học sinh: có bị dài dòng và dàn trải?
  • Có lesson plan rõ ràng để luôn bám sát vào mục tiêu của bài giảng, tránh bị đi lòng vòng
  • Cuối cùng, là luôn tự rút kinh nghiệm sau mỗi bài giảng (đặc biệt với những giáo viên ít kinh nghiệm) để cải thiện cho những bài giảng tiếp theo.
  1. Tối đa việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Ngôn ngữ cơ thể đóng vai trò vô cùng quan trọng với giáo viên không chỉ nhằm thu hút sự chú tâm của học viên trong lớp học mà còn hỗ trợ đắc lực trong việc thay thế ngôn ngữ lời nói đặc biệt ở những lớp trình độ thấp.

Khi học viên chưa có nhiều vốn từ để nghe hiểu thì việc cùng ngôn ngữ cơ thể phát huy hiệu quả tối đa để học sinh hiểu những nội dung hướng dẫn của giáo viên, đồng thời cũng tiết kiệm được thời lượng nói của giáo viên.

  1. Đưa ra các câu hỏi mở

Thay vì việc chỉ đưa ra các câu hỏi đóng khiến học sinh không có cơ hội thực hành ngôn ngữ nhiều thì giáo viên nên đưa ra các câu hỏi mở. 

Mục tiêu của câu hỏi trong các lớp ngoại ngữ không phải lúc nào cũng có mục đích lấy thông tin hoặc xác định đúng sai, mà phần lớn là tạo cơ hội để học sinh sử dụng và phát triển vốn ngôn ngữ của mình, vì vậy các câu hỏi mở sẽ giúp đạt mục tiêu này một cách hiệu quả.

Ngoài ra, các câu hỏi mở cũng giúp học sinh ở các trình độ ngôn ngữ khác nhau đều có cơ hội phát triển phù hợp với vốn ngôn ngữ hiện tại của mình.

Ví dụ, với cùng một câu hỏi mở thì những học sinh ở trình độ thấp chỉ có thể trả lời một cách đơn giản; nhưng với bạn ở trình độ cao hơn thì ngoài việc trả lời còn có thể đưa ra những lời giải thích, kèm ví dụ vv và vv.

  1. Thiết kế hoạt động trong tất cả các bài giảng

Trùm cuối của bí kíp giảm thời lượng nói của giáo viên trên lớp chính là LUÔN THIẾT KẾ HOẠT ĐỘNG vào các bài giảng (lesson plan).

Hoạt động không chỉ giúp không khí lớp học sôi nổi, học sinh hào hứng tham gia bài học một cách tự tin và tự nhiên mà còn giúp giáo viên giảm tối đa thời lượng nói. Nhiệm vụ của giáo viên khi tổ chức hoạt động khi đó chỉ còn là:

  • Model hoạt động (làm mẫu)
  • Quan sát nhằm đảm bảo tất cả học sinh đều tham gia
  • Đánh giá
  • Và hỗ trợ khi cần

→ Như vậy toàn bộ quá trình học sinh thực hành và sử dụng tiếng Anh trong hoạt động giáo viên hầu như không phải nói bất cứ phút giây nào mà vẫn đạt được mục tiêu bài giảng.

Một số lưu ý tới các thầy cô khi tổ chức hoạt động đó là:

  • Hoạt động cần xây dựng ngay từ đầu trong giáo án (lesson plan) để giáo viên không bị động
  • Hoạt động cần có khung thời gian phù hợp để cân đối với thời lượng của cả buổi giảng
  • Hoạt động cần đảm bảo đạt được mục tiêu bài học và tạo không khí học tập vui vẻ cho học sinh
  • Hoạt động cần đa dạng để đáp ứng được các nhu cầu học tập (learning styles) của học sinh
  • Hoạt động cần linh hoạt với điều kiện mô hình lớp học và số lượng học sinh
  • Luôn có hoạt động dự phòng (back up plan) để tránh bị cháy giáo án hoặc hoạt động chính không đạt hiệu quả như mong muốn.

Giảng dạy tiếng Anh là một hành trình mà ở đó cần sự đầu tư, làm mới và thử nghiệm không ngừng của giáo viên hướng đến mục tiêu luôn tạo được không khí tích cực, mới mẻ, thoải mái và hiệu quả với người học.

Chúc các anh chị luôn vững bước trên hành trình mình đã lựa chọn!

Tìm hiểu về khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm TESOL Quốc tế tại đây!

Bài viết liên quan